Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh ung thư thường gặp ở nam giới, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Mặc dù ung thư tuyến tiền liệt phát triễn rất chậm, tuy vậy ung thư này cũng gây tử vong 10% trong các trường hợp tử vong vì ung thư, hàng ngàn người chết vì bệnh này mỗi năm.
Chẩn đoán phân biệt ung thư tiền liệt tuyến bao gồm:
- Phì đại lành tính tiền liệt tuyến
- Sỏi
- Nang tiền liệt tuyến
- Lao tiền liệt tuyến
- Viêm tiền liệt tuyến
- Chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến
Nếu một người có những triệu chứng hay kết quả xét nghiệm nghi ung thư tuyến tiền liệt, khi đến khám bác sĩ sẽ tìm hiểu về bệnh sử, tiền sử cá nhân và gia đình, tiến hành khám và có thể chi định các xét nghiệm cận lâm sàng. Thăm khám và xét nghiệm có thể bao gồm thăm trực tràng, xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem có máu hay có bị nhiễm khuẩn không và xét nghiệm máu để đo nồng độ PSA.
Trong một số trường hợp bác sĩ còn có thể đo nồng độ phosphataza acid tuyến tiền liệt (PAP) trong máu đặc biệt là khi kết quả xét nghiệm PSA nghi có bất thường. Bác sĩ có thể thăm dò thêm để tìm nguyên nhân gây ra triệu chứng. Những xét nghiệm này bao gồm:
– Siêu âm qua trực tràng. Những sóng âm mà con người không thể nghe thấy (siêu âm) được phát ra từ một đầu dò đưa vào trực tràng. Những sóng âm này phản hồi lại để ghi lại thành hình ảnh của tuyến tiền liệt và máy vi tính sử dụng hình ảnh được dội lại này để tạo nên một hình ảnh siêu âm.
– Phim chụp bể thận – tiết niệu có tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch.
– Soi bàng quang cho phép bác sĩ quan sát niệu đạo và bàng quang qua một ống soi nhỏ có nguồn sáng.
– Sinh thiết: Nếu kết quả xét nghiệm nghi có ung thư bệnh nhân sẽ cần phải được tiến hành sinh thiết. Trong quá trình sinh thiết bác sĩ cắt mẫu mô ở tuyến tiền liệt, thường là bằng kim. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ quan sát những mô này dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư. Nếu có ung thư bác sĩ thường thông báo mức độ của khối u. Mức độ khối u cho chúng ta biết mức độ mô ung thư khác mô thường như thế nào và tốc độ phát triển của khối u. Một cách phân mức độ ung thư tuyến tiền liệt, được gọi là hệ thống Gleason, sử dụng thang điểm từ 2 đến 10. Một hệ thống khác sử dụng từ Gi đến G4. Khối u có mức điểm cao hơn thì khả năng phát triển và lan nhanh hơn những khối u có mức điểm thấp hơn.
Nếu kết quả thăm khám và xét nghiệm không phải ung thư, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để làm giảm triệu chứng do hiện tượng tuyến tiền liệt to lên gây ra. Phẫu thuật cũng là một cách làm giảm bớt những triệu chứng này. Phẫu thuật thường được sử dụng nhất là cắt tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo (TURP hau TUR). Khi tiến hành TURP. Một dụng cụ được đưa qua niệu đạo để cắt bỏ phần mô tuyến tiền liệt chèn lên phần trên niệu đạo và gây cản trở dòng nước tiểu.
- Các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt
Nếu phát hiện ra ung thư ở tuyến tiền liệt, bác sĩ cần biết giai đoạn hay phạm vi của bệnh. Phân giai đoạn là để tìm xem ung thư đã lan ra chưa và nếu rồi thì lan tới bộ phận nào của cơ thể. Bác sĩ tiến hành nhiều xét nghiệm máu và thăm dò hình ảnh khác nhau để xác định được giai đoạn của bệnh. Việc điều trị phụ thuộc vào những phát hiện này.
Xác định giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt là một quá trình phức tạp. Bác sĩ có thể mô tả các giai đoạn bằng cách sử dụng chữ số La mã (I-IV) hay chữ in (A-D). Dưới đây là những biểu hiện chính của từng giai đoạn:
– Giai đoạn I hay giai đoạn A. Không phát hiện ra ung thư khi thăm trực tràng. Có thể tình cờ phát hiện ra khi tiến hành phẫu thuật vì lý do khác, thường là phẫu thuật để điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Không có bằng chứng cho thấy ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt.
– Giai đoạn II hay giai đoạn B. Khối u đã lan tỏa nhiều hơn trong mô tuyến tiền liệt, có thể phát hiện ra khi thăm trực tràng, cũng có thể phát hiện ra khi tiến hành sinh thiết do nồng độ PSA cao. Không có bằng chứng cho thấy ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt
– Giai đoạn III hay giai đoạn C. Ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt tới các mô lân cận.
– Giai đoạn IV hay giai đoạn D. Ung thư đã lan vào hạch và các bộ phận khác của cơ thể.