1/ Đau
+ Đau vùng thắt lưng
– Cơn đau quặn thận : còn được gọi là “Cơn đau bão thận”, vì đây là cơn đau dữ dội, xuất hiện đột ngột khi sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản gây tắc làm tăng áp lực đột ngột trong thận. Việc 1 viên sỏi nhỏ gây những cơn đau khủng khiếp được y văn mô tả như “Con chó nhỏ mà sủa ầm ỹ ” : “ The little dogs make the most noise ”.
Cơn đau đột ngột, dữ dội, bắt đầu từ vùng thắt lưng sau đó lan ra phía trước xuống tận cơ quan sinh dục ngoài. Bệnh nhân phải gập đôi người cho đỡ đau, vã mồ hôi, mặt tái đi, lo lắng, sợ sệt. Có thể kèm theo nôn, buồn nôn và/hoặc đái máu. Cơn đau tăng lên dữ dội nếu uống nước
– Đau mỏi lưng đơn thuần: Hoàn toàn không đặc hiệu cho bệnh tiết niệu, có thể gặp trong bệnh ly cột sống, cơ vùng lưng, tư thế ngồi…Cần lưu y đến bệnh tiêt niệu nếu là đau mỏi 1 bên thắt lưng hay có phối hợp với các rối loạn tiểu tiện khác như đái máu, đái đục, đái buốt…
+ Đau vùng bìu
Đau đột ngột dữ dội vùng bìu, có thể lan đến bẹn, vùng bụng dưới hoặc lên thắt lưng. Đôi khi có nôn, buồn nôn. Đau bìu đột ngột cần được khám cấp cứu để loại trừ soắn tinh hoàn, thoát vị bẹn nghẹt hay viêm tinh hoàn…Ở phụ nữ, đau và xưng vùng môi lớn có thể gặp trong thoát vị bẹn.
+ Đau bụng dưới
Đau không đặc hiệu vùng bụng dưới, trên xương mu, đôi khi lan đến bộ phận sinh dục, xuất hiện lúc tiểu tiện. Thường có phối hợp với các rối loạn tiểu tiện như đái buốt, đái nhiều lần, đái đục.
2/ Rối loạn tiểu tiện
+Tiểu khó: phải cố rặn và đợi một lúc mới tiểu được, hay dòng nước tiểu yếu, nhỏ xuống giày không tiểu xa được. Đôi khi đã tiểu xong lại vẫn còn vài giọt rỏ ra. Nặng hơn là tình trạng thường xuyên rỉ nước tiểu.
+Tiểu đêm nhiều lần: trung bình mỗi đêm phải đi tiểu trên 3 lần kéo dài liên tục trên 3 tháng. Các lần chỉ đi với số lượng ít nước tiểu, cảm giác tiểu không hết.
+ Tiểu gấp: đột nhiên buồn đi tiểu xong không thể nhịn được trong vài phút thường gặp khi rửa tay hoặc khi nghe tiếng dòng nước chảy
+ Tiểu buốt: mỗi lần đi tiểu có cảm giác đau buốt, bỏng rát dọc niệu đạo có khi lan tới bàng quang. Đây là dấu hiệu thường gặp trong nhiễm trùng tiết niệu.
+ Bí tiểu: đôi khi phải đến bệnh viện cấp cứu do bí tiểu cấp tính, bệnh nhân đã cố gắng rặn mà không thể đái được. Phần bụng dưới căng lên rất đau tức, vật vã khó chịu. Tình trạng bí tiểu mãn tính thường phối hợp tiền sử tiểu khó, tiểu nhiều lần với số lượng ít, luôn cam thấy còn nươc tiểu tồn đọng trong bàng quang và nặng hơn là rỉ nước tiểu.
+ Tiểu không tự chủ/Són tiểu: là tình trạng nước tiểu thoát ra ngoài qua lỗ tiểu không theo ý muốn. Chúng được phân thành 4 loại: són tiểu khi gắng sức ( chiếm 80% các trường hợp); són tiểu ở phụ nữ do bàng quang không ổn định; són tiểu hỗn hợp; són tiểu do bàng quang không ổn định.
3/ Nước tiểu bất thường
Nước tiểu bất thường phải được xác định bằng xét nghiệm nước tiểu.
+ Tiểu máu: có máu trong nước tiểu là dấu hiệu cần được xác định rõ nguồn gốc bệnh ly tiết niệu từ nhẹ (ví dụ viêm bàng quang) đến nặng ( khối u , sỏi tiết niệu…). Cần hết sức lưu y nếu có máu cục, kèm theo đau lưng, rối loạn tiểu tiện hoặc tiền sử bệnh tiết niệu.
+ Nước tiểu đục: luôn là dấu hiệu bệnh ly, cần xác định số lượng bạch cầu, vi trùng qua xét nghiệm nước tiểu. Hiếm gặp hơn là tiểu ra dưỡng chấp gặp trong bệnh giun chỉ.
+ Nước tiểu có phân, hơi : gặp trong trường hợp rò đường tiêu hóa – tiết niệu.