Qua rồi nỗi lo són tiểu sau mổ tuyến tiền liệt
Chúng tôi là những phẫu thuật viên đầu tiên áp dụng thành công phương pháp tiên tiến này tại Việt Nam với giá thành thấp, góp phần trút đi gánh nặng cho những người không may bị són tiểu sau mổ tuyến tiền liệt hoặc niệu đạo.
Bệnh són tiểu gắng sức/Tiểu không kiểm soát (Stress urinary incontinence: S.U.I) rất phổ biến ở phụ nữ nhưng thật may mắn là y học đã tìm ra “chìa khóa vàng” giải quyết chứng bệnh phiền toái này cho chị em, bằng 1 thủ thuật nhẹ nhàng, hiệu quả, ít xâm hại với tên gọi là “T.O.T” (Trans Obturateur Tape: Dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt)
Ngay sau mổ tuyến tiền liệt hoặc niệu đạo (thường do vỡ xương chậu), người bệnh xuất hiện són tiểu. Trong thời gian đầu, mức độ són tiểu nặng với số lượng lớn, nước tiểu rỉ thường xuyên cả ngày và đêm, ngay cả khi nằm nghỉ. Việc phải dùng băng vệ sinh như phụ nữ hoặc dùng bao cao xu hứng nước tiểu són ra đã trở thành 1 cực hình với họ, nhất là ở người cao tuổi. Chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề, không ít người trở thành trầm cảm.
Cùng với thời gian, mức độ són tiểu sau mổ tuyến tiền liệt có xu hướng giảm đi, chỉ còn rỉ nước tiểu vào ban ngày, nhất là khi gắng sức ( ho, cười, khi đi, thay đổi tư thế…), tuy nhiên, tình trạng són tiểu thường tăng lên về chiều, khi cơ thể đã mệt mỏi, là lúc khả năng kìm giữ nước tiểu của cơ thắt niệu đạo kém nhất. Ngoài những lúc són tiểu, bệnh nhân vẫn còn cảm buồn tiểu và có thể đi tiểu thành bãi. Cần ghi nhận số lượng nước tiểu của mỗi lần tiểu tiện: số lượng càng ít sẽ tỷ lệ thuận với mức độ tổn thương của cơ thắt niệu đạo và qua đó cho biết thông tin về tiên lượng bệnh. Cần nhớ rằng, các biểu hiện són tiểu cũng như các rối loạn tiểu tiện khác chưa thực sự ổn định trong thời gian đầu, thông thường phải sau ít nhất 6 tháng đến 1 năm mới xác định đươc một cách tương đối chính xác mức độ hồi phục của cơ thắt niệu đạo.
Khám nghiệm niệu động học (Bilan urodynamique) cho phép kiểm tra tình trạng cơ thắt niệu đạo, mức độ tổn thương của cơ thắt, áp lực dòng nước tiểu, dung tích bàng quang, xác định hiện tượng són tiểu sảy ra khi bàng quang chứa được thể tích nước tiểu là bao nhiêu ml, có tình trạng bàng quang tăng hoạt tính hay không…Tất cả những thông tin đó giúp xác định chẩn đoán và quyết định phương pháp điều trị.Điều trị són tiểu sau phẫu thuật tuyến tiền liệt như thế nào
Điều trị bảo tồn:
Trong thời gian đầu, tình trạng són tiểu sau mổ tuyến tiền liệt cần được điều trị bằng việc tập co thắt cơ niệu đạo và tầng sinh môn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm. Bài tập này được hướng dẫn và đánh giá trực tiếp bởi bác sĩ. Bệnh nhân phải hết sức kiên trì và nhẫn nại tập luyện theo kế hoạch và phải xác định trước rằng kết quả chỉ cải thiện nếu tập đúng phương pháp và sau thời gian luyên tập từ 6 tháng đến 1 năm.
Điều trị phẫu thuật:
A/ Van niệu đạo nhân tạo (The artificial urinary sphincter)
Cho đến nay, tại các nước phát triển, việc sử dụng van niệu đạo nhân tạo (The Artificial Urinary Sphincter : A.U.S) điều trị són tiểu nặng sau phẫu thuật tuyến tiền liệt đã từng được coi là “Tiêu chuẩn vàng”. Đây là 1 dụng cụ được đặt vào vùng bộ phận sinh dục ngoài, có van bọc vòng quanh niệu đạo để chống són tiểu và một công tắc để mở van khi muốn tiểu tiện. Tuy nhiên, do giá thành quá đắt ( khoảng 20 nghìn USD) nên không phải ai cũng có điều kiện thực hiện.
B/ Dải băng treo niệu đạo qua 2 lỗ bịt giành cho đàn ông (Transobturator male sling)
Gần đây, với mục đích giảm giá thành và cơ bản là dựa trên hiệu quả cao của phương pháp T.O.T trong điều trị són tiểu gắng sức ở phụ nữ, các nhà Tiết niệu thế giới đã ứng dụng thành công điều trị són tiểu gắng sức sau mổ tuyến tiền liệt ở nam giới dựa trên nguyên lý đặt dải băng treo, ép vào niệu đạo qua 2 lỗ bịt.