Nhiễm trùng tiết niệu là gì?
Đó là tình trạng nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính của các bộ phận trong hệ tiết niệu: Thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Ở nam giới còn có thêm tuyến tiền liệt.
Nhiễm trùng tiết niệu được chia làm 2 loại: nhiễm trùng tiết niệu cao (viêm thận bể thận, viêm niệu quản, ứ mủ thận, áp xe thận) và nhiễm trùng tiết niệu thấp (viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn).
Ở phụ nữ, do cấu tạo giải phẫu, rất hay gặp viêm bàng quang trong khi đó, viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn hay gặp ở nam giới. Nhiễm trùng tiết niệu cao và bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gặp ở cả 2 giới.
Ngược lại, ở nam giới lai được bảo vệ tốt trước nguy cơ nhiễm trùng do khoảng cách và sự cách biệt từ hậu môn đến lỗ tiểu và độ dài của niệu đạo (niệu đạo nam giới dài 16cm trong khi ở nữ giới chỉ là 2cm). Nhiễm trùng tiết niệu ở nam giới thường thể hiện những bất thường của hệ tiết niệu mà thường gặp là do sỏi hoặc phì đại tuyến tiền liệt gây tắc dẫn đến ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, niệu quản và thận.
Vi trùng thường gặp trong nhiễm trùng tiết niệu thông thường là loại vi trùng có nguồn gốc từ đường tiêu hoá (Entérobacteries): Eschrichia Coli gặp trong khoảng 80% các trường hợp; Proteus mirabilis là loại vi trùng dễ tạo ra sỏi; Enterobacter, Citrobacter…
Ngoài ra trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp là Chlammydia, lậu cầu…
Nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ của NTTN
Nước tiểu là môi trường rất thuận lợi cho sự sinh sôi phát triển của các loại vi trùng nói trên. Khi số lượng vi trùng trong nước tiểu đạt được số lượng cao sẽ gây nhiễm trùng tiết niệu. Cơ thể con người có một phản ứng tự nhiên chống lại nhiễm trùng tiết niệu một cách hiệu quả nhờ việc tăng bài tiết nước tiểu để làm loãng số lượng vi trùng và tăng khả năng đào thải nước tiểu kèm theo vi trùng. Do vậy, nguyên tắc vàng trong điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu là uống nhiều nước (> 2 l/ngày) và đi tiểu thường xuyên.
Ở phụ nữ
Do cấu tạo giải phẫu, phụ nữ rất hay bị nhiễm trùng tiết niệu. Đơn giản là việc vệ sinh phụ nữ không đúng cách như lau ngược từ hậu môn ra phía trước hoặc vệ sinh tại chỗ không sạch cũng dễ gây viêm bàng quang.
Với những trường hợp viêm bàng quang tái phát ở phụ nữ (>3 lần /năm), đặc biệt là viêm bàng quang sau giao hợp phải được khám tại chỗ bộ phận sinh dục ngoài để phát hiện và phẫu thuật xử lý các nguyên nhân do bất thường giải phẫu (hẹp lỗ tiểu, túi thừa niệu đạo…).
Việc lau tại chỗ từ sau ra phía trước sau khi đi ngoài dễ gây nhiễm trùng tiết niệu do đã kéo vi trùng có trong phân từ hậu môn đến lỗ tiểu. Do vậy nên thay đổi thói quen và lau từ trước ra phía sau.
Nên đi tiểu ngay sau khi giao hợp (để đào thải ngay vi trùng vừa mới chui vào niệu đạo do động tác giao hợp gây ra).
Lưu ý sử dụng chất bôi trơn khi giao hợp nhất là trường hợp âm đạo “khô” để tránh gây xước bộ phận sinh dục tiết niệu.
Trong thời gian thấy kinh, nguy cơ viêm nhiễm trùng tiết niệu tăng lên, cần vệ sinh sạch và thay băng vệ sinh thường xuyên.
Tránh táo bón: sự ứ đọng phân lâu ngày trong trực tràng là nguồn cung cấp dồi dào vi trùng.
Phụ nữ mãn kinh có tỷ lệ nhiễm trùng tiết niệu cao do suy giảm nội tiết tố nữ, thay đổi độ pH nước tiểu. Nêu dùng liệu pháp bổ xung nội tiết tố.
Ở nam giới: Trước 50 tuổi, nhiễm trùng tiết niệu thường gặp là viêm niệu đạo do quan hệ tình dục không an toàn.
Ở đàn ông cao tuổi, nhiễm trùng tiết niệu thường gặp nhất liên quan đến bệnh phì đại tuyến tiền liệt gây chèn ép niệu đạo gây tắc dưới cổ bàng quang dẫn đến sự ứ đọng nước tiểu.
Tất cả những nguyên nhân gây tắc, cản trở việc thoát nước tiểu đều là những yếu tố quan trọng gây nhiễm trùng tiết niệu: Sỏi, hẹp niệu quản, chèn ép đường tiết niệu, xơ cứng cổ bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo…
Ngoài ra, những rối loạn điều hoà thần kinh bàng quang, những tình trạng nhiễm trùng của các cơ quan lân cận (phụ khoa, hậu môn trực tràng) cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng tiết niệu.
Ở trẻ em: Đứng trước tình trạng nhiễm trùng tiết niệu ở trẻ em thì việc làm đầu tiên là phải tìm ngay nguyên nhân hay gặp nhất là các dị dạng tiết niệu bẩm sinh và điều trị nguyên nhân đó: luồng trào ngược bàng quang – thận, thận niệu quản đôi, van niệu đạo sau…
BS. Lê Sĩ Trung
Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam
Nguồn: http://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-thu-pham-gay-nhiem-trung-duong-tiet-nieu-2016060216203755.htm