Với những bệnh nhân có thể chữa triệt căn sỏi: cường cận giáp tiên phát, cường cận giáp thứ phát do thiếu vitamin D… không cần theo chế độ ăn kiêng. Với những bệnh nhân còn lại, ngay cả khi không khẳng định được việc tạo sỏi do chế độ ăn, vẫn nên tuân theo những nguyên tắc về dinh dưỡng phù hợp.
Với sỏi oxalat canxi, phụ thuộc canxi
Đây là các sỏi Weddellit (C2), Brushit, Carbapatit (CA). Cần tuân thủ 4 nguyên tắc: uống nhiều, thức ăn cân đối, kiểm soát lượng muối, kiểm soát lượng đạm; kiểm soát không để tiêu thụ quá 900mg canxi/ngày và phải chia nhỏ theo các bữa ăn trong ngày. Cung cấp đầy đủ vitamin D.
Với sỏi oxalat canxi, phụ thuộc oxalat
Đây là loại sỏi hay gặp nhất. Trên thực tế, sỏi này thường gặp ở những người đột nhiên bỏ không uống sữa nữa hoặc những người dùng nước uống có ít canxi: nguồn nước ở vùng núi lửa hoặc dùng nước qua máy lọc. Hoặc ở những người có bệnh tiêu hoá mạn tính (viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh viêm hồi tràng đoạn cuối, sau phẫu thuật nối tắt ống tiêu hóa để điều trị béo phì…). Canxi của thức ăn và các sản phẩm oxalat là thành phần chính của loại sỏi này. Do đó, việc cung cấp canxi phải luôn dưới 900mg/ngày và đặc biệt phải được chia đều trong các bữa ăn trong ngày. Canxi cho phép kêlat hóa các oxalat tại ống tiêu hóa, nhờ đó giảm sự hấp thu của ruột, nhờ đó nên canxi làm giảm oxalat trong nước tiểu.
Khuyến cáo: Dùng sữa trở lại và uống loại nước có nhiều canxi ngoài bữa ăn, đồng thời tuân thủ 4 nguyên tắc: uống nhiều, thức ăn cân đối, kiểm soát lượng muối, kiểm soát lượng đạm. Kiểm soát không để tiêu thụ không quá 900mg canxi/ngày và phải chia nhỏ theo các bữa ăn trong ngày. Cung cấp đầy đủ vitamin D. Tiêu thụ vừa phải, theo nhu cầu lượng đạm, tinh bột và mỡ.
Đối với sỏi acid uric
Cần phải xử lý vào sản phẩm của acid uric dựa vào tính hòa tan của nó trong môi trường kiềm bởi vì acid uric kết tủa trong môi trường acid.
80% acid uric là nội sinh. Có rất nhiều yếu tố làm tăng acid uric trong máu:
Kháng insulin: Hiện tượng này đã được hiểu rõ trong hội chứng chuyển hóa, trong bệnh béo bụng, ở người cao tuổi và người lười hoạt động. Lượng insulin tăng cao sẽ ức chế việc đào thải acid uric của thận. Cần lưu ý, đường fructos dễ gây tình trạng kháng insulin.
Tình trạng tăng nồng độ VLDL (còn gọi là cholesterol tỷ trọng thấp) gây ức chế sự đào thải acid uric của thận.
Tình trạng béo phì luôn song hành với tăng tổng hợp purin.
Đường fructos gây giảm dị hóa purin.
Thịt và rượu gây tăng acid uric.
Liên quan giữa thức ăn và tình trạng acid nước tiểu:
Độ acid cao của nước tiểu là yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo thành sỏi acid uric và cũng như việc tạo sỏi tái phát ở người béo phì và đái tháo đường týp 2.
Trên thực tế, có mối liên quan ngược chiều giữa pH nước tiểu và trọng lượng cơ thể (pH nước tiểu sẽ giảm nếu trọng lượng cơ thể tăng) bởi vì sự kháng insulin tăng lên với sự tăng trọng lượng và dẫn đến việc giảm dần sự bài xuất ammonium của thận.
Ở những người có chỉ số khối lượng cơ thể IMC > 25 và/hoặc người béo phì luôn phải được điều trị nhằm giảm tình trạng kháng insulin với ý kiến phối hợp của nhiều chuyên khoa.
Vai trò của thức ăn trong việc kiềm hóa nước tiểu:
Đồ uống: sử dụng các đồ uống có khả năng kiềm hoá nước tiểu như nước có nhiều bicarbonat, uống chia đều trong ngày; nước chanh…
Hạn chế các loại thức ăn gây acid: thịt, cá trứng, bánh mì, ngũ cốc,…
Tăng sử dụng các loại thực phẩm gây kiềm hóa: rau xanh, khoai tây, các loại quả.
Nếu chỉ số IMC >25, cần lấy lại cân bằng về năng lượng. Nên tập thể thao đều đặn >30 phút mỗi ngày.
Đối với sỏi cystin
Để dự phòng tránh sỏi tái phát, cần: uống thật nhiều nước hàng ngày để pha loãng nước tiểu; kiềm hóa nước tiểu; kiểm soát quá trình sản xuất cystin bằng việc hạn chế lượng thịt tiêu thụ tối thiểu theo nhu cầu hàng ngày và phải chia đều theo các bữa ăn. Trong trường hợp nặng, cần ăn theo đơn của bác sĩ.
BS. Lê Sĩ Trung
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/luu-y-dac-biet-khi-mac-soi-tiet-nieu-n119985.html